Làm nhiếp chính Cao_Trừng

Cũng vào mùa xuân năm 547, do cho rằng Cao Hoan đã chết, Hầu Cảnh đã nổi dậy, ban đầu đem 13 châu do mình kiểm soát gồm: Dự, Quảng, Toánh, Lạc, Dương, Tây Dương, Đông Kinh, Bắc Kinh, Tương, Đông Dự, Nam Duyện, Tây Duyện và Tề đầu hàng Tây Ngụy, và sau đó là đầu hàng nhà Lương. Cao Trừng ban đầu cử Hàn Quỹ (韓軌) đi đánh Hầu Cảnh, Hàn Quỹ đã giành được một số lợi thế trước quân của Hầu Cảnh, tuy nhiên đã buộc phải triệt thoái khi quân Tây Ngụy kéo đến. Hầu Cảnh đã phải mất 4 châu cho Tây Ngụy để đổi lấy sự ủng hộ này. Sau đó, Hầu Cảnh tuyệt giao với Tây Ngụy, quân Tây Ngụy vì thế đã triệt thoái. Trong khi đó, Lương Vũ Đế đã ủy nhiệm cho cháu là Trinh Dương hầu Tiêu Uyên Minh đem một đội quân lớn đến trợ giúp cho Hầu Cảnh. Cao Trừng cuối cùng đã tiết lộ về việc cha qua đời, giao trọng trách phụ trách quân đội cho Mộ Dung Thiệu Tông. Ông cũng đã đề nghị nghị hòa với Hầu Cảnh, hứa sẽ để Hầu Cảnh làm chủ các châu phía nam nếu người này chịu quy phục, tuy nhiên Hầu Cảnh đã từ chối.

Lúc này, Cao Trừng cũng phải đương đầu với một mối đe dọa từ bên trong. Sau khi phụ thân qua đời, Cao Trừng bắt đầu thể hiện sự coi thường với Hiếu Tĩnh Đế và trong một lần, khi Hiếu Tĩnh Đế trách mắng Cao Trừng vì tội bất kính nơi công cộng, Cao Trừng đã lệnh cho Thôi Quý Thư đấm Hiếu Tĩnh Đế ba phát. Hiếu Tĩnh Đế lo sợ về viễn cảnh của mình sau này nên đã lập mưu chống lại Cao Trừng. Vào mùa đông năm 547, âm mưu bị phát giác, Cao Trừng cho bắt giữ Hiếu Tĩnh Đế và hành quyết những đồng mưu của hoàng đế.

Cũng vào năm 547, Mộ Dung Thiệu Tông đã đè bẹp quân của Tiêu Uyên Minh ở Hàn Sơn (寒山, nay thuộc Từ Châu, Giang Tô), bắt được Tiêu Uyên Minh. Khi Tiêu Uyên Minh được giải đến chỗ Cao Trừng, ông ta đã được Cao Trừng đối đãi một cách tôn trọng, lý do là vì Cao Trừng có ý dùng Tiêu Uyên Minh làm một quân cờ để chống lại Hầu Cảnh. Sang mùa xuân năm 548, Mộ Dung Thiệu Tông đã tiêu diệt đội quân của Hầu Cảnh, bản thân Hầu Cảnh phải chạy trốn sang Lương, lấy thành Thọ Dương (壽陽, nay thuộc Lục An, An Huy) ở vùng biên giới của Lương làm căn cứ cho các hoạt động của mình. Cao Trừng sau đó bắt đầu điều đình hòa bình với Lương Vũ Đế, có ý nhằm tạo ra bất ổn trong mối quan hệ giữa Vũ Đế và Hầu Cảnh. Cuối cùng, Hầu Cảnh tin rằng mình sẽ bị Vũ Đế phụ và rồi sẽ bị đưa về Đông Ngụy để đổi lấy Tiêu Uyên Minh, vì thế ông ta đã nổi dậy chống Lương vào mùa thu năm 548. Cuối cùng, Hầu Cảnh đã chiếm được kinh thành Kiến Khang của Lương và buộc Lương Vũ Đế và Lương Giản Văn Đế làm bù nhìn. Sau khi Hầu Cảnh giành được thắng lợi này, ông ta đã có lời đề nghị hòa bình với Cao Trừng, song lần này Cao Trừng đã không hồi đáp.

Tại Đông Ngụy, Cao Trừng cố gắng tái chiếm các châu mà Hầu Cảnh trao cho Tây Ngụy trước đây. Cũng trong năm 548, ông cử Cao Nhạc và Mộ Dung Thiệu Tông đem quân đi bao vây Trường Xã (長社, nay thuộc Hứa Xương, Hà Nam), song Trường Xã do tướng Vương Tư Chính của Tây Ngụy trấn thủ không phải là nơi có thể đánh chiếm dễ dàng, và trong trận chiến, quân Tây Ngụy đã giết chết Mộ Dung Thiệu Tông và một trọng tướng khác của Đông Ngụy là Lưu Phong Sinh (劉豐生). Vào mùa hè năm 549, Cao Trừng thân chinh đem quân Đông Ngụy đến Trường Xã. Cao Trừng tăng cường bao vây và khiến Trường Xã thất thủ ngay sau đó, ông cũng bắt được Vương Tư Chính và đối đãi một cách tôn trọng với người này. Sau khi Trường Xã thất thủ, quân Tây Ngụy cũng triệt thoái khỏi ba châu khác mà họ chiếm được trước đây, Đông Ngụy vì thế đã tái chiếm được toàn bộ các vùng đất mà Hầu Cảnh từng nắm giữ.